Cao nguyên đá


Chuyến đi này cũng không được nhiều thời gian lắm nên chưa tận hưởng hết được, chỉ làm giảm bớt ức chế khi chưa đi được nhưng lại tăng sự thèm muốn đi tiếp 😀

Từ HN đi HG có khá nhiều xe chất lượng cao, nhưng cuối cùng lại lựa chọn 1 chuyến chất lượng trung bình của xe Quân Nam (0988283838 hoặc 0983554488) đi từ Mỹ Đình lúc 20:30. Ngoài ra tại bến Mỹ Đình buổi tối cũng có rất nhiều chuyến giường nẳm, ghế ngả đi HG. Nếu muốn đi ban ngày thì buổi trưa cũng có xe đi, có thể đón tại BX Mỹ Đình hoặc BX Hà Đông.

3:30 có mặt tại thị xã Hà Giang, bác tài cho đảo 1 vòng thị xã buổi đêm, chẳng có gì, quay về bến xe nghỉ 1 chút chờ xe đi Đồng Văn. 5:00 có 1 chuyến đi Đồng Văn, xe này là xe chợ 100% (yên tâm ko có chất lượng cao lên đó đâu) loại chạy phổ biến 25 chỗ nhưng chất hàng mất 5 chỗ rồi, bạn có thể ngồi chung với hàng hóa (phải ngồi) đi lên ĐV. Có các chuyến 5:00; 6:00. Nếu lỡ chuyến có thể đón xe HG-Mèo Vạc nhưng phải hỏi có đi qua Đồng Văn không vì có 2 đường lên.

Đường lên DV rất hẹp và quanh co, không thể cưỡng lại vẻ đẹp của những tia sáng đầu tiên, hay người ta vẫn quen gọi là bình minh. Và rõ ràng là bình minh ở đây thú vị hơn ở biển, thay vì ngắm mặt trời lên, ở đây ta được ngắm tia sáng mới qua những khe núi, những lùm cây, bất chợt nắm được 1 tia nắng rồi lại vụt mất sau rặng núi.

7:00 tại Yên Minh được ăn sáng. Món gà ăn quá chất lượng nhưng bánh phở thì cứng như đá (ăn gà không). Dọc đường đi đã nhìn thấy nhiều người đi bộ đi chợ huyện, đi kiếm củi, đi lấy nước (vì nước sạch khu vực này rất ít, đã có nhiều công trình hồ chứa nước phục vụ người dân nhưng vẫn rất bất tiện vì xa xôi – thế nên người dân tộc ở đây thường có 1 mùi hôi hôi, mà ông anh mình gọi là mùi “trứng” khi được ngồi cạnh mấy bác H’mông trên xe)

Lên DV thì sẽ đi ngang qua cổng trời Quảng Bạ, nơi biết bao tay nhiếp ảnh tìm 1 góc độ mới cho quả núi đôi đầy khiêu gợi 😀 tiếc là không được dừng 1 chút ở đây, chỉ được ngắm núi đôi có 1 tí.

Cao nguyên đá dần lộ diện từ Quảng Bạ, nếu ở thành phố người ta hay gọi những nơi lưu giữ hàng hóa là kho bãi thì lên ĐV bạn sẽ được chiêm ngưỡng 1 cái kho chứa hàng tỉ “hòn non bộ” với muôn vàn kiểu dáng, được tô thêm vẻ quyến rũ với hiệu ứng ánh sáng mặt trời từ các khe núi.

Vừa lên tới Đồng Văn là 11:00 (140km đi hết 6 tiếng có thể hình dung đường thế nào?), mệt lả người nhưng vẫn máu, ném đồ vào khách sạn rồi tìm kiếm thông tin thuê xe máy lên đường tiếp. Thuê xe ở ĐV là 1 điều xa xỉ và khó khăn, cả huyện có 2,3 chỗ cho thuê thi nơi hết xe, nơi bán xe rồi. Hỏi han nhiều người mới tìm được 1 ông cho thuê xe với giá cắt cổ. 150k 1 buổi chiều (mới đầu đòi 200k, xăng tự đổ) – Em mất SDT của thằng đó rồi, nhưng dễ tìm, cứ đến cây xăng duy nhất ở đó, kế bên thấy 1 tiệm sủa xe Yamaha thì hỏi là có. Nói đến cái cây xăng, 2 anh em vào đổ xăng gọi nó ra đổ nó đang ăn cơm nhưng vẫn nhiệt tình chạy ra, đúng lúc đó 2 bác người dân tộc H’mong vào đổ nó nói “đi đi, chỉ đổ cho người quen” rồi đi vào ăn cơm tiếp. Hai a e nhìn nhau bảo nếu nó mà nói thế với mình chắc cũng đi bộ luôn quá!

Tiếp tục hành trình tới Lũng Cú, cái đích đang nhắm đến. Chỉ cách ĐV 22 km, nhưng chưa đi nó vội, 2 anh em chọn cung đường dài hơn để đi ngang qua nhà vua Mèo, nơi thủ phủ của khu tự trị người Mèo trước kia. Sau này con cháu đều đi theo Đảng, theo Bác, là 1 trong những đại biểu quốc hội khóa đầu tiên (xem hình nhé)

Vòng lên tới Lũng Cú, 2 đứa vừa đi vừa tí tởn chụp hình. Cuối cùng 15:00 có mặt tại Lũng Cú, gặp 1 em hướng dẫn tận tình, chỉ còn 5 phút leo cầu thang lên nữa thôi. Vừa lên đến nơi bạn sẽ có 1 cảm giác tuyệt vời, hãy khám phá khi lên đó nhé. Việc tiếp theo em làm là hôn cái cột cờ với cái bảng và tí tởn chụp vài kiểu. Tiếc là không trèo lên trên đỉnh sờ tay vào lá cờ 😦 . Nhưng cột mốc không phải ở đây. Sở dĩ ngọn núi này được chọn làm nơi cắm cột cờ là vì từ thời Lý Thường Kiệt đã cho mời các thầy phong thủy bậc nhất ở Trung Quốc sang để coi phong thủy nơi cắm cở tổ quốc, đây cũng là ngọn núi duy nhất tại khu vực này đứng 1 mình chứ không đan xen vào nhau như các ngọn khác. Và theo 1 truyền thuyết thì trước kia khu vực này thiếu nước, rồng thần bay qua đây thấy nhân dân chịu khổ nên đã đậu lại để ban phước. Nơi cắm cờ là đầu rồng, 2 con mắt rồng biến thành 2 cái hồ tự nhiên hiếm hoi ở khu vực này. Sau đó thế hệ bây giờ tiếp tục xây dựng cột cờ ở đây để tỏ rõ chủ quyền lãnh thổ.

Cột mốc chính thức nằm các đây 3km và ở ngay bên bờ nhánh sông chảy về sông Lô (trong bức hình ấy, quên mất tên rồi 😦 ) Máu giang hồ vẫn phải đi tiếp để sờ vào cột mốc, ông anh mình thì không muốn chuyện này vì thằng cha biên phòng nói nếu ra đó bị TQ bắt sẽ không chịu trách nhiệm (tại sao mình lại bị bắt khi đang đứng trên lãnh thổ của đất nước mình và lại không được chính quân đội của đất nước mình bênh vực? – tức thật ) Nhưng vẫn cố vào, mình định sẽ sờ vào đó 1 mình khi ông anh mình trông xe 😀 làm theo đúng lời hướng dẫn dặn là đừng từ xa nhìn thôi. Đường đi bắt đầu khó khăn vì đang làm đường, đến 1 ngôi làng cách cái cột mốc kia chừng 1 km nưa thôi thì bị chặn lại vì không thể đi tiếp do đường bị hư và đang làm lại. Ông người H’mông ở đó bảo đi bộ đường khác thì được nhưng mất 1 tiếng đồng hồ 😦 và bị ông anh cản lại nên mình đành đi về từ bỏ ý định sờ vào cái cột mốc đó.

Về khách sạn Cao nguyên đá với tâm trạng bị đe dọa là buổ tối không có đồ ăn nên vừa về là xông vào bếp đặt anh bếp trưởng 1 nồi lẩu gà (gà ngon mà). Ai tới đây nhớ hỏi anh Tài nhé, từng bôn ba khắp nơi cuối cùng dừng lại ở ĐV mấy tháng nay, nấu món lẩu gà tuyệt 😀 . Tưởng 2 anh em ngồi ăn buồn ai ngờ chủ khách sạn cũng có 1 bàn nhậu ở đó, rồi 2 bàn nhập lại được 6 người ăn uống no say, tha hồ hỏi han mọi thứ. Có tới 3 dân tộc ngồi trong bàn nhậu này 😀

Ăn xong lang thang vào hội chợ thương mại ĐV xem, nhìn phát ói, đúng là mấy cái hội chợ vùng xa, miễn bình luận thêm.

Kết thúc ngày đầu tiên ở đây, đoán xem, ngủ ngon chưa từng thấy. Quên mất không tả cái lạnh cắt da ở đây, mỗi đứa có 1 áo thun và 1 áo khoác, vừa đi vưa run, kaka.

Hôm sau lại thuê xe, tất nhiên xe của thằng cha kia, tiếp tục đến điểm đến thứ 3 của ĐV (3 nơi nhất định phải ghé) là dốc Mã Pì lèng. Đây là đoạn dốc nôi tiếng với cung đường hẹp, một bên núi đá 1 bên vực sâu thăm thẳm (chụp mấy pô ở đây đấy). Riêng con dốc này làm trong 9 tháng trên tổng 6 năm làm hết nguyên cung đường này.

Viết nhiều quá mỏi tay 😀

Về ĐV đón chuyến xe cuối cùng trong ngày đi Hà Giang (11:00) xe thật sung sướng vì chỉ có 3 khách, thêm vài em lên xuống dọc đường. Từ ĐV muốn đi bất cứ đâu cũng phải về lại HG hết, thế nên hủy mất kế hoạch lên Cao Bằng đi thác Bản Dốc và hang Pác Pó của mình.

Ở Hà Giang đi kiếm món đặc sản dê núi để chiến đấu và được thưởng thức món canh đắng khủng khiếp mà ai cũng khen ngon 😀 phải tận hưởng tiếp bằng 1 buổi thư giãn tắm thuốc dân tộc Dao đỏ và bấm huyệt. Đúng là hưởng thụ những cảm giác mới lạ (khi chưa biết sắp gặp chuyện xúi quẩy).

Lần về thay xe Khải Huyền (0913271384 hoặc 0918384384) đi HN, được đón tận nơi (chỗ tắm lá thuốc) rất tuyệt, xe rất đẹp nhưng mẹ ơi, người xếp như lợn, đầy kín xe, cả duwois sàn xe, người người ôm nhau. Em được xếp 1 ghế gần cuối, ghế dài đẹp lắm mà cả chuyến phải co chân lên vì dưới ghế có 4 cái chân nhồi nhét ở đó 😦 ông anh mình thì ngồi trên đâu với cái ghế của phụ lái, tất nhiên chẳng ngủ được vì cái ghế bé tí và cứng đơ (thế không đi xe này nữa)

Thay vì sung sướng sau khi thư giãn ở ĐV, về tới HN uể oải lại còn thất lạc gói đặc sản thịt treo 600k. Buồn rầu về nhà ngủ 1 giấc đến trưa. Nhưng ăn ở tốt nên cuối cũng nhà xe cũng tìm thấy bịch đặc sản nên bay ngay sang bến xe lấy lại (tối chén luôn).

Vậy là kết thúc, chưa thỏa mãn những cũng rất vui. Coi như đưa ông anh đi lễ hội độc thân (có sđt mấy em dân tộc rồi đấy, tranh thủ lúc chưa cưới đi tiếp đi 😀 )

Gia Lai-Kon Tum và Ngã 3 Đông Dương


485568_10151566372191904_1917873382_n Hôm nay nhân dịp chia sẻ 1 bài về Apachải cho 1 người bạn nên nhớ ra mình nên viết vài dòng về chuyến chinh phục Ngã 3 Đông dương.

Ở Việt Nam có đường biên giới dài tiếp giáp 3 nước Cambodia, Lào và Trung Quốc nên có 2 điểm ngã 3 quan trọng. Nếu như ở Apachải, ngã 3 Lào, VN và TQ, đồng thời là cực Tây tổ quốc nổi tiếng với đường đi khó thì Ngã 3 Đông dương chỉ đơn thuần là 1 điểm giao cắt biên giới. Nhưng không vì thế mà việc được đặt chân đến đây kém hấp dẫn hơn, mỗi nơi mang những nét thú vị riêng của nó.

Trước hết phải nói luôn, chuyến đi này thú vị là vì nó là chuyến đi du lịch có tí chút bụi bụi mà mình được đi với 1 phụ nữ là vợ mình :))) và cũng trả thù 2 tỉnh Gia Lai, Kon tum sau bao nhiêu năm không có duyên gặp mặt.

19:00 xe giường nằm xuất phát tại BXMĐ, đường HCM – quốc lộ 14 thì mình lăn lộn nhiều rồi nên cũng chuẩn bị tinh thần xe sẽ nhảy nhót cả đêm do đường xấu. Chỉ tội cái cô đi cùng mình không quen mà còn nằm giường cuối nên cũng hơi đuối. 12 tiếng sau có mặt lại phố núi Pleiku (560km!), niềm khao khát ăn phở khô dâng trào khi ông bạn đề xuất đi ăn sáng 😀 nhưng càng khao khát bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu vì nó không đặc sắc như mình suy nghĩ, phần cũng do háo hức quá nên lố 😉 phổ khô Gia Lai có thể đánh giá ở mức trên trung bình một chút, nhưng có lẽ nó nổi tiếng vì nó lạ hơn những món khác ở nơi khác!

Sau khi nhâm nhi ly cafe 2 vợ chồng mượn chiếc xe máy chạy từ Pleiku đi Kontum. Nhắc tới quãng đường này chỉ 2 chữ “đau khổ”, chẳng là vì đoạn này đang làm đường nên bụi khủng khiếp, 50km mà chạy mất 2 tiếng, nặng 70kg ở pleiku mà tới Kontum tăng lên 71kg do bụi!

Để chuẩn bị thật tốt cho chuyến chinh phục ngã 3 Đông Dương chúng tôi quyết định nghỉ tại Kontum lấy sức để hôm sau lên đường. Tất nhiên sau quãng đường di chuyển mệt nhọc cộng cái nắng đổ lửa ngoài trời thì tốt nhất là tắm rửa và ngủ 1 giấc cho sướng. 15:00 chúng tôi xuất phát khám phá Kontum với nhà thờ gỗ, cầu treo Konklor, nhà rông, nhà tù Kontum (đứng ở cửa vì đã hết giờ!) rồi đáp về 1 quán cafe bên dòng sông Dakbla để thư giãn hoàng hôn trên phố núi.

Các món ăn ở Kontum khá ngon, đặc biệt bạn có thể dạo quanh đường Phan Chu Trinh sẽ thưởng thức được rất nhiều món Bánh canh, bún bò, bánh xèo, bún riêu, bún thịt nướng,… Bữa tối chúng tôi được anh ở khách sạn chỉ cho 1 quán nhậu các món về bò, bê rất ngon là quán 52 trên đường Trần Hưng Đạo nối dài (Thống Nhất), tại đây do chỉ có 2 người nên bụng chứa có hạn chỉ ăn 2 món Bê nướng mắm (Bê thái miếng lớn nửa bàn tay, dày 1-2cm được nhúng vào mắm pha sẵn của quán bỏ lên lò than nướng) và món Bẹ sữa nướng (vú bò khi đang có sữa nuôi con, ăn thơm mùi sữa và vị ngái ngái), cả 2 món đều tiệu cú mèo.

Lan man thế là đủ, giờ đi vào phần chính là đường lên ngã 3 Đông Dương. Trở ngại duy nhất khi chinh phục nơi này đó là nó có nhiều đường lên thế nên cứ hỏi một người lại chỉ một đường khác nhau, ai cũng cho là đường mình chỉ đúng. Cuối cùng thì 2 vợ chồng men men theo nhiều lời chỉ dẫn đi xuyên vào vườn cafe nhà người ta, phó xe leo đồi tạt ngang tạt dọc ra được cái đường bê tông đẹp thật đẹp dẫn lên thẳng cột mốc ngã 3 biên giới. Lúc này mới nhận ra rằng có cái đường siêu đẹp như thế dẫn từ cửa khẩu Bờ Y lên cột mốc mà cả xe hơi cũng đi được luôn. Tuy nhiên, nếu để đi lại mình vẫn thích đi bạt ngang qua cái vườn cafe cho nó thú 😀 trên đường đi về thì cứ thẳng đường bê tông chạy tới Bờ Y thăm siêu thị miễn thuế các bạn sẽ rất ngạc nhiên với quy mô nơi đây, kaka.

945180_10151566372166904_1578810034_n

Nhã 3 Đông dương nằm ở độ cao 1081 m so với mặt nước biển, cột mốc được hoàn thành năm 18/01/2009. Địa phận Việt Nam là tỉnh Kontum, Lào là tỉnh Attapư, và ở Cambodia là Ratanakiri.

Vậy là giấc mơ đã hoàn thành, từ thời điểm này là hưởng thụ ăn chơi với mục tiêu quét sạch các món ngon tại Pleiku. 2 vợ chồng tranh thủ ăn các món gỏi đu đủ gan bò, bánh bột lọc, bánh bèo, bò nướng, chè Bà Dũng, cơm gà Mỹ Tâm, bún mắm cua, lụi nướng và không quên xách về ít Bơ, bò 1 nắng với muối kiến :)) trong vòng 24 tiếng ở Pleiku mà hốt hết chỗ đồ ăn đấy, tham quan chỉ bổ sung mỗi Biển hồ!

Thôi cũng là chuyến đầu tiên bụi với vợ nên cũng thế là đủ 🙂 Do điểm đến này cũng tương đối dễ đi nên không cần để lại thông tin gì chi tiết, các bạn có thể tự đi một cách dễ dàng mà không cần chuẩn bị quá kĩ càng, đôi khi như vậy sẽ có nhiều điều thú vị.

Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ.

62640_10151566371766904_1829171768_n

Apachải – Cực Tây Việt Nam


Apachải – cực tây của tổ quốc, nơi giao nhau 3 đường biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc, điểm đến mà bất kì dân du lịch nào cũng muốn đặt chân tới. Nằm gần cửa khẩu Apachải, sâu trong khu rừng nguyên sinh Mường Nhé của tỉnh Điện Biên, ngã 3 biên giới vẫn được coi là điểm đến nhiều thử thách và gian nan nhất ở nước ta. Bài này không nhằm giới thiệu những thông tin tổng quan về Apachải mà chỉ mong ghi chép lại cuộc hành trình để cho những bạn đi sau có thể chuẩn bị tốt nhất cho hành trình chạm mốc của mình ^^

Trước khi đi, cũng như mọi người mình đã tìm hiểu những thông tin cần thiết cho chuyến đi, đã được đọc nhiều bài nhật ký, cảm nhận và chia sẻ của những người đi trước. Mình đã dự liệu trước cho những khó khăn sắp tới bởi những con đường ngoằn nghèo đầy vực dốc, những đoạn đường đất đá xói lở bị cắt ngang bởi nhiều còn suối, hành trình leo núi xuyên rừng nguyên sinh với những dốc thẳng đứng… bạn cứ đọc đi để lên giây cót tinh thần cho mình nhé 🙂

Xuất phát từ bến xe Mỹ Đình – Hà Nội lúc 18g ngày 9/1/2011, trải qua 12 tiếng lắc lư trên xe tôi và 1 anh bạn nữa cuối cùng đã đặt chân đến thành phố Điện biên phủ. Theo tìm hiểu thì chuyến xe đi Mường Nhé mới xuất bến nên chúng tôi phải chờ đến 9g30 để đón 1 chuyến khác. Tranh thủ 2 tiếng chúng tôi đi thăm quan tượng đài chiến thắng ĐBP trên đồi D1 nằm ngay trung tâm thành phố. Ra khỏi cửa bến xe rẽ trái bạn sẽ nhìn ngay thấy tượng đài, tuy vậy bạn vẫn phải đi bộ 15p và leo vài trăm bậc thang mới tới ^^. Quanh bến xe có rất nhiều hàng quán bún, phở, xôi để bạn có thể lựa chọn cho bữa sáng của mình, giá thời điểm này 30k/bát, không thực sự xuất sắc nhưng đủ ngon để bạn không chê!

^^

9g30 xe đi Mường Nhé xuất bến. Không phải bàn nhiều về phong cảnh hùng vĩ suốt 200km đường đi, bạn sẽ không phải hối hận khi đi cũng đường này bằng xe máy nếu bạn thích, nhưng hãy giữ ý tưởng này cho 2 năm nữa vì hiện nay đoạn đường này đang làm rất bụi bẩn và nguy hiểm đặc biệt mùa mưa. Cung đường này là một trong những cung đường nổi tiếng Tây Bắc về cảnh đẹp mê hồn cũng như độ uốn lượn và nguy hiểm của nó, hãy chuẩn bị tinh thần nhé vì để vựot qua 200km đường này cần 9 tiếng đồng hồ, nếu đường làm xong chắc cần 6-7 tiếng. Một lưu ý cho các bạn đi xe khách là xe đi lên Mường Nhé là loại 24 chố những lúc nào trên xe cũng 30-40 người chưa kể hàng hóa, đừng hy vọng mình có chỗ ngồi thoải mái (trừ phi bạn là cô gái đẹp bạn sẽ được ngồi ghế bên cạnh tài xế, người này thường được ưu tiên vì là người duy trì sự tỉnh táo cho tài xế,kakaka).

 

Vậy là đúng 7g tối chúng tôi đã tới bến xe Mường Nhé, một thị trấn nho nhỏ như bao thị trấn ở các huyện miền núi phía bắc. Chúng tôi chọn 1 nhà khách ở đây để nghỉ ngơi sau 24g di chuyển và cũng để dò hỏi thông tin cách di chuyển tiếp theo. Thực sự là những đội đi trước chia sẻ thông tin thì hầu như không có thông tin gì nhiều về việc làm sao thuê xe máy hay xe ôm đi Apachải nên chúng tôi mất nhiều thời gian dò hỏi. Sau những cân nhắc cuối cùng chúng tôi thuê được 1 chiếc xe máy với giá 500k/ngày và phải tự đổ xăng, một giá cắt cổ nhưng là lựa chọn tốt nhất mà chúng tôi có, tôi sẽ cho vài thông tin phía sau để mọi người so sánh. Ngoài trở ngại về phương tiện chúng tôi còn không có giấy giới thiệu và các giấy tờ cần thiết để đi đến đồn biên phòng Apachải theo những thông tin mà các nhóm trước chia sẻ. Quyết định cuối cùng là vẫn đi, theo tinh thần từ đầu, đi tới đâu hay tới đó!

Sáng hôm sau chúng tôi 7g mới xuất phát vì trời mùa đông ở đây bình mình muộn, hơn nữa chúng tôi cũng hơi mệt sau ngày di chuyển hôm trước (cộng thêm chút rượu nếp tối hôm trước nữa nên ngủ ngon,keke). Sau khi kiểm tra và chỉnh sửa xe chúng tôi mua ít bánh và nước để chuẩn bị lên đường. Khoảng cách từ Mường Nhé tới đồn biên phòng Apachải là 54km, đây là cung đường mà các nhóm khác đã dành cho nó rất nhiều giấy mực để miêu tả lại độ khó của nó, chúng tôi háo hức lên đường. Nhưng thật kì lạ là thậm chí chúng tôi còn thấy nó dễ đi hơn nhiều so với đường từ ĐBP lên Mường Nhé. Theo tìm hiểu thì con đường này đã được sửa chữa và xây nhiều cầu bắc ngang qua suối vào năm qua, vậy là chúng tôi cứ bon bon trên xe thưởng ngoạn vẻ hùng vĩ mê mẩn lòng người của con đường. Chúng tôi mất 3 giờ để vượt qua con đường đó, tất nhiên là tính cả thời gian tí tởn chụp hình ^^.

Đặt chân đến đồn biên phòng chúng tôi từ cảm giác lo lắng không có giấy tờ chuyển sang mừng rỡ bởi sự hiếu khách của các chiến sỹ nơi đây. Các bạn yên tâm nhé, chỉ cần mang chứng minh thư là đủ thủ tục để chinh phục ngã ba biên giới rồi nhé. Nhưng sau một lúc chuyện trò, đồng chí đồn phó đã nói rằng chúng tôi không thể leo lên cột mốc ngày hôm nay, chúng tôi đã đến quá muộn để leo lên!!! Theo kinh nghiệm của các anh tại đây thì các đoàn phải mất ít nhất 4-5 giờ leo lên cột mộc và khoảng 3 giờ leo xuống, nhất là mùa này mưa phùn đường chơn. Như vậy vừa lên vừa xuống thì chúng tôi nếu suôn sẻ thì phải 5-6 giờ chiều mới xuống tới nơi, và trời trong rừng thì đó hẳn đã tối lắm rồi! Chúng tôi nhìn nhau và thực sự lúc đó chỉ muốn hét lên vì sáng dậy muộn và tí tởn chụp ảnh!!! Anh đồn phó còn dẫn chứng nhiều người đã bị lạc sáng TQ, Lào hay gặp tai nạn báo hại các chiến sĩ phải đi tìm suốt đêm. Tóm lại là 10g còn đang ngồi uống nước ở đây thì không lên được.

Trong lúc 2 thằng đang nhìn nhau không biết làm sao để được đi thì anh đồn phó nói, các chiến sỹ ở đây leo quen thì có thể leo trong khoảng 4-5 tiếng vừa đi vừa về, các bạn thì không thể! Thế là có cớ rồi, 2 thằng cố gắng thuyết phục anh đồn phó rằng sẽ cố gắng hết sức để theo các anh. Sau 1 hồi suy nghĩ anh quyết định cho leo với điều kiện anh sẽ cử 2 người đi kèm, 1 trung úy Hạnh dày dạn kinh nghiệm và 1 chiến sỹ khỏe mạnh nhất đồn người dân tộc Thái tên Nghiệm!!! (Đoàn bình thường 30 người cũng chỉ cần một người dẫn đường). Vậy là chúng tôi lên đường với tâm lý khá nặng nề vì không hề chuẩn bị các đồ cần thiết đề phòng sự cố nhưng với một quyết tâm cao đối mặt với khó khăn sắp tới.

Từ đồn biên phòng chạy thêm 3km là tới cửa khẩu Apachải, vòng vào đường đất đá thêm 4 km nữa là tới chân đồi, nơi phải ném xe lại và bắt đầu leo. Anh Hạnh dẫn đường băng băng leo trước thoáng 1 chốc đã vượt lên mất hút nhưng vẫn để lại dấu cây để chỉ hướng đi, đội 2 người chúng tôi leo sau thở hổn hển, chốt sau cùng là anh lính trẻ người Thái. Đường dốc thẳng đứng bắt buộc phải sử dụng tứ chi để leo. Vượt qua ngọn đồi thứ nhất với 3 lần nghỉ, anh Hạnh động viên chúng tôi rằng chỉ thêm ngọn đồi nữa là đường dễ đi, cứ như vậy chúng tôi cố gắng bám theo anh. Ngọn đồi thứ nhất đã làm tôi thực hơi chùn bước 😀 trong đầu nghĩ nếu cứ thế này mấy tiếng thì chịu không nổi rồi, quay ra nhìn ông bạn nhăn nhó nhưng vẫn tràn đầy quyết tâm, anh lính trẻ chẳng biểu hiện gì mệt cả ^^! lại cố gắng. Ngọn đồi thứ 2 cao gấp đôi ngọn trước, và dốc chẳng thoải chút nào, hic, chân run, mắt hoa lưng đau khủng khiếp (Từ sáng chỉ ăn bánh với uống nước để tranh thủ thời gian). Đến hết ngọn đồi thứ 2 anh Hạnh vui vẻ nói, các cậu leo tốt đấy, với tốc độ này chắc sẽ đạt được mục tiêu đề ra. 2 thằng sướng rơn người, nghỉ ngơi 1 lát rồi chạy băng băng ^^ Lúc đó bắt đầu đi sâu vào rừng, đoạn đường mòn đầy các cây bụi nhiều gai bám vào các cây cổ thụ cao lớn. Lạc vào vùng này bạn không nhìn thấy được lên tới ngọn cây cũng chẳng thấy người nào mà cách mình quá 3m! Xung quanh sương mù bao phủ ướt đẫm làm quần áo và giày của chúng tôi toàn bùn đất và sũng nước. Đoạn này tuy cũng dễ đi nhưng vẫn có nhiều đoạn dốc thẳng đứng làm nản lòng các chiến sĩ! Có những chỗ đường chỉ vừa 1 bàn chân qua, bên dưới là vực sâu cây cối chằng chịt. Tuy thật mệt nhưng khung cảnh thần tiên trong rừng sâu đã phần nào xoa dịu cảm giác đau nhức của chúng tôi. Ngồi nghỉ trên 1 mỏm đá sâu trong rừng, anh Hạnh lại 1 lần nữa cho chúng tôi thông tin quan trọng rằng chúng tôi đã ở độ cao 1600m chỉ còn hơn 200m nữa là đến đích, nhưng 200m theo độ cao nhé! dù sao thì tiến độ của chúng tôi theo anh ấy là rất tuyệt. Chúng tôi lại băng băng để hoàn thành nốt quãng đường còn lại, cho đến lúc này chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ làm được điều kì diệu rồi!

Cảm giác chạm vào cột mốc sau chặng đường khó khăn bạn đã vượt qua là không thể tả nổi. Ngay lúc nhìn thấy cột mốc tôi đã la hét thật phấn khích báo cho bạn đi sau và băng băng leo lên. Điều đầu tiên tôi làm là ôm lấy cột mốc và sau đó là hét 1 tiếng, vâng, 1 tiếng hét 3 nước đều nghe, kakakaka. Chúng tôi ngắm nghía cột mốc, ăn bữa trưa đơn giản gồm bánh, lương khô và nước ở bên Lào, chạy sang bên Trung Quốc ngó nghiêng rồi quay về Việt Nam chụp ảnh ^^. Cuối cùng chúng tôi đã làm được, và thử tính nhé, chúng tôi bắt đầu leo lúc 10:40 và đến đỉnh lúc 12:45, đây là kỉ lục leo nhanh nhất của các đòan du lịch và nếu so với các chiến sỹ biên phòng thì cũng thuộc hạng top đấy! 2 thằng nói với nhau, cũng không uổng công tập thể dục thể thao nhiều, kakaka.

Vâng, cuộc hành trình nào cũng vậy, thú vui của bạn luôn nằm ở đường đi ^^ chúng tôi đã có một chuyến đi không tồi, chuyến đi nhiều cảm xúc và đầy những điều thú vị. Đừng quên nhé, chặng đường đi về cũng không hề kém thú vị đâu, hãy đi và tận hưởng ^^

Sau khi về lại Điện Biên chũng tôi còn tranh thủ tham quan các chiến khu xửa như đồi A1, hầm Đờ Cát, đồi Him Lam để tìm hiểu chiến thắng lịch sử của quân đội ta. Dạo quanh đường phố Điện Biên, chợ trung tâm để ngắm các cô gái dân tộc tíu tít mua sắm Tết. Anh bạn tôi đã chết mê chết mệt vẻ đẹp của các cô gái Thái đen mất rồi!

Thông tin cho những người muốn đi Apachải:

1. Hà Nội – Điện Biên: Bạn có thể đi máy bay của VNA hoặc xe khách từ bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp Bát. Giá 350k giường nằm; 250-300 ghế ngồi.

Xe giường nằm Thông Lan 0963399960 hoặc 0913399960 chạy đêm. Đội xe rất dễ thương ^^

Hoặc bạn có thể đặt xe trên trang web: bus. hlink.vn

Các bạn nên đi buổi đêm để sáng sớm hôm sau tới nơi 🙂

2. Điện Biên – Mường Nhé:

Xe máy: Bạn có thể mang xe máy từ HN theo hoặc lên ĐB thuê xe. Nếu muốn thuê hãy hỏi đối diện bến xe sẽ có mấy người cho thuê. Giá tấm 150-200k/ngày tùy loại xe. Nhớ là khi thuê xe thì ai ko lái xe thì đặt lại bằng lái, ai lái xe cầm bằng theo, còn CMND cần thiết để lên đồn biên phòng làm thủ tục.

Xe khách: Xe khách lên Muờng Nhé giá thường là 120k/người. Giờ chạy 5,6,7g30, 9g30, 11g. Các bạn nên hỏi lái xe trước giờ chạy vì họ có thể chạy sớm hoặc muộn chứ không chính xác lắm đâu nhé. Mất khoảng 9 tiếng để tới Mường Nhé nên bạn nên tính toán giờ đi cẩn thận.

3. Mường Nhé – Apachải: Xe máy, xe ôm. Không có xe khách đi đường này tại thời điểm bây giờ. Theo tìm hiểu của mình thì xe ôm thường lấy 600k/người đi về trong ngày; nếu 2 người 1 xe thì 1tr. Việc tìm thuê xe khá là khó khăn vì người ở đây không cho thuê. Mình đã may mắn thuê được xe chú chủ nhà nghỉ với giá 500k/ngày và tự đổ xăng. Bạn có thể hỏi thử nếu muốn theo địa chỉ:

Nhà nghỉ Dũng Hằng. 02303740094; 01254171922; 0972300164. Đi từ bến xe Mường Nhé thì bạn rẽ trái khi vừa đi ra cửa. Đây là nhà nghỉ đầu tiên bạn nhìn thấy (Đi bộ 5p)

4. Chỗ ở: Giá ở Điện Biên hoặc Mường Nhé khoảng 150k/phòng 2 giường. Có nơi có toilet trong phòng có nơi chung.

Nhà nghỉ Dũng Hằng thì có 2 loại 120k và 180k, toilet chung. Nhà nghỉ này ở tốt nhưng lại mở cả quán karaoke nên buổi tối ồn ào. Chỉ có điều nếu bạn không ở đó thì khó mà thuê được xe máy ^^

Nhà nghỉ ở Điện Biên nhiều vô số kể. Quanh khu bến xe các bạn sẽ tìm được nơi ở giá tốt còn ở chỗ khác thì mình chưa biết.

Nhà nghỉ ở Mường Nhé chỉ có 4 cái. Trong đó 3 cái tư nhân còn 1 cái nhà khách. Giá tương tự nhau.

Ngoài ra bạn có thể nghỉ ở đồn biên phòng Apachải với giá 200k/người/ngày bao gồm bữa ăn tối.

5. Đồn biên phòng Apachải:

Bạn cần làm thủ tục ở đây để đăng ký tham quan cột mốc. Lúc trước thì cần nhiều giấy tờ nhưng giờ thì chỉ cần CMND.

Ở đồn bây giờ có các dịch vụ sau:

Dân đường: 400k/người cho 1 đoàn. Bạn cần chuẩn bị đồ ăn uống cho người này

Ăn ở: 200k/người/đêm

Ngoài ra còn các đồ lưu niệm như áo thun, khánh lưu niệm…

Các bạn có thể ở đoàn cả trăm người nếu muốn. Đặc biệt có thể giao lưu với các chiến sỹ buổi tối ^^

Liên lạc: 0985735299. Anh Hà. Chuyên phụ trách tiếp đón các đoàn du lịch. Bạn cần thông tin gì về cột mốc cứ hỏi anh ấy!

6. Vật dụng nên chuẩn bị khi leo lên cột mốc: Quần áo dài, giày cao cổ, găng tay, đèn pin. Nếu có thể nên mang theo chai xịt giảm đau đề phòng trơn tượt bị ngã.

7. Sóng điện thoại: Vina, Viettel, Mobi đầy đủ.

Chúc các bạn có chuyến đi vui vẻ ^^

Thiên Táng


Thiên Táng (Sky burial)

Tác giả: Hân Nhiên

Dịch giả: Trần Thị Thanh Loan

^^

Một câu chuyện tình có sức mạnh làm thay đổi cuộc  đời bạn, đúng là nó buồn nhưng sự phi thường của nó chứng minh cho bất kì ai còn nghi ngờ về sự mơ hồ của tình yêu chung thủy rằng họ hoàn toàn sai. Câu truyện xoay quanh cuộc đời nhiều mất mát của người 1 phụ nữ Trung Quốc trong thời gian lưu vong ở Tây Tạng. Khi nhận được giấy báo tử của chồng cô từ bỏ mọi thứ ở quê nhà để ra đi tìm anh với một lòng tin vững chắc rằng, bằng một cách nào đó anh vẫn còn sống. Và từ lần ra đi đó đến lúc cô quay về lại nhà quê hương đã ngốn hết quãng đời của cô…

Link down load ebook file.prc (Hãy tìm đọc tác phẩm được xuất bản nếu như bạn có thể ^^)

Đảo Jeju, Korea


Đang cùng Vịnh Hạ Long của Việt Nam chạy đua bầu là 1 trong 7 kì quan thiên nhiên thế giới, đảo Jeju nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp và ngọn núi Halla cao nhất Hàn Quốc. Vậy là không thể không đi Jeju khi đến Hàn quốc được nhỉ? kaka

Xuất phát tại Gimpo Airport chiều thứ 5. Lần đầu tiên nhìn Seoul từ trên cao có một cảm giác thật lạ làm mình càng thêm phần ngưỡng mộ việc quy hoach xây dựng của đất nước bao phủ phần lớn bởi núi và đồi. Thành phố chật ních những tòa nhà cao tầng nhưng vẫn được điểm nhiều khoảng xanh sáng lên dưới ánh nắng mùa thu. Sông Hàn và những hợp lưu của nó đóng vai trò xương sống giúp Seoul và các thành phố lân cận liên kết với nhau chặt chẽ như một đại đô thị bao phủ toàn bộ khu phía bắc Hàn quốc.

Chỉ mất hơn 1 giờ bay để tới đảo Jeju. Có lẽ tiết trời thu trong xanh là điều kiện lý tưởng để ngắm nhìn cảnh vật bên dưới từ máy bay. Ngọn núi lửa đã tắt Halla sừng sững trước biển được điểm bới những vạt mây trắng là điểm nổi bật cho mọi người có thể đoán biết mình chuẩn bị hạ cánh. Mang trong mình nhiều kỳ vọng về vẻ đẹp của Jeju và ước mong chinh phục đỉnh Halla, cuối cùng tôi và 2 người bạn đồng hành đã đến nơi.

Thay vì bắt taxi tới nhận phòng khách sạn chúng tôi chuyển hướng đến thẳng Love land – Công viên tình yêu nổi tiếng của Jeju. Người ta nói tới đây buổi tối thì sẽ cảm giác thích thú hơn nhiều so với ban ngày, vậy nên chúng tôi có mặt ở đây 6:00pm để được thưởng thức ^^ Có lẽ việc phô bày những chuyện tình dục của con người trước cộng đồng là việc khá lạ lẫm đối với người Á Đông như Việt Nam và Hàn Quốc nên công viên này cũng vì thế mà nổi tiếng. Tới đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng nhưng bức tượng mô tả các tư thế quan hệ tình dục phổ biến khắp nơi trên thế giới và được tìm hiểu các nghệ thuật làm tình như Kamasutra, Hy Lạp, Trung Quốc, Mỹ… Ngoài ra một số các đồ chơi, sách, băng dạy tình dục cũng được trưng bày và bán cho khách tham quan. Sẽ thật hữu ích nếu có những nơi như công viên Love land hay các trang web hoặc tài liệu dạy các cách quan hệ tình dục ở Việt Nam cũng như những nơi khác. Điều đó không chỉ giúp ích cho giáo dục giới tính, nâng cao nhận thức về tình dục, giảm thiểu tệ nạn xã hội, tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục mà còn giúp cho các cặp vợ chồng trẻ có đời sống tình dục an toàn, phong phú và lạc thú hơn.

^^

Buổi tối tôi và các bạn tìm đến món thịt heo mọi nổi tiếng của Jeju. Mặc dù cũng được cảnh báo là giá cả mắc nhưng khi được trải nghiệm bạn sẽ thấy nó…mắc thiệt! đơn giản là nhiều loại thực phẩm phải đưa từ đất liền ra nên giá ăn uống ở đây cũng mắc hơn so với Seoul. Sau khi chiến đấu ăn no xong chúng tôi chuyển sang 1 quan bia nhâm nhi với vài con mực khô và bàn bạc kế hoạch cho ngày sau.

Toan tính đi thăm 2 cái thác Cheon Ji Yeon và So Jeong Bang ở Seogwipo bị phá sản vì mùa thu nước cạn vì vậy chúng tôi dồn toàn lực cho chinh phục đỉnh Halla rồi sau đó ghé công viên Mini Mini. Vì không tìm hiểu kĩ thông tin nên sáng hôm sau việc di chuyển đến điểm leo núi hơi trục trặc. Trong lúc tìm đướng đến nơi thì được 1 bạn người Hàn chỉ rằng phải mất 4 tiếng để leo lên đỉnh núi nhưng người ta sẽ chặn đường vào 12:30 (có lẽ đảm bảo an toàn cho du khách). Và lúc chúng tôi biết thông tin đó là 9:00 và mất thêm 30p nữa để đến điểm leo núi. Có 2 đường phỏ biến lên tới đỉnh là Seongpanak dài 9.6 km (có xe bus đi tới và là điểm chúng tôi lựa chọn đi lên) và Gwaneumsa dài 8.7 km (bạn phải đi taxi, đây là đường chúng tôi đi xuống). Tóm lại 3 chúng tôi xuất phát từ bến xe (độ cao khoảng 500m) lúc 9:30 với mỗi người 1 chai nước, 1 gói kimpap (cơm cuộn) và 1 chiếc máy ảnh với quyết tâm chạm đỉnh trước 12:30 (mặc dù lúc đó chẳng biết gì về ngọn núi này).

Xung quanh ngọn núi là vườn quốc gia Halla dược Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, các bạn có thể tìm nhiều thông tin về tự nhiên nơi đây. Theo quan sát của tôi, mùa thu chỉ vừa mới tới đây ít ngày, lá cây đang từ từ đổi màu nhưng vẫn còn những mảng xanh khá lớn. Đặc điểm thực vật quanh đây là thấp, nhỏ, cảm giác khác hẳn với các khu rừng nhiệt đới ở Việt Nam.

^^

Tuy cham đỉnh ở những thời gian khác nhau nhưng cả 3 chúng tôi đều đã chinh phục được đỉnh núi cao nhất Hàn Quốc – Halla 1950m.  Có thể nói chúng tôi đã cố gắng gần gấp đôi những người khác, bạn đi bộ bình thường 5km/gio còn chúng tôi đã leo núi với đoạn đường 10km lên cao 1500m (vì xuất phát độ cao 500m) trong 2,5 giờ. Đây là ngọn núi lửa đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng. Nếu vào mùa mưa miệng núi lửa sẽ lưu trữ nước tạo thành một cái hồ trên đỉnh nhưng chúng tôi tới vào mùa thu nên chỉ nhìn thấy đáy hồ trơ trọi, nơi nhiều năm trước từng phun trào nham thạch.

^^

Đoạn đường đi xuống thong dong hơn vì không bị áp lực thời gian nhưng cũng thật khó khăn vì chúng tôi đã dốc nhiều sức cho đường lên. Tuy nhiên, giờ chúng tôi có nhiều thời gian hơn đển thượng ngoạn cảnh vật và lưu lại những tấm hình mùa thu trên đỉnh Halla. Cảnh tường núi ấp ôm mây, mây ấp núi làm xua tan những mỏi mệt của chúng tôi.

^^

Rời khỏi Halla chúng tôi di chuyển sang công viên Mini Mini. Bạn hãy cẩn thận taxi ở đây, họ không bấm đồng hồ mà ra giá cho mình. Đi ra ngoài chỗ có xe bus mất 5.000 won còn đi Mini Mini mất 35.000 won, tất nhiên đó là giá quá đắt. Mới đầu chúng tôi chọn ra bến xe bus để đi đến công viên nhưng đợi xe bus quá lâu, việc bắt 1 chiếc taxi ở đây cũng rất khó khăn. Cũng may là chúng tôi gặp được người tốt, một cựu chiến binh Hàn quốc ở Việt Nam, vì là người tốt nên ông ấy đồng ý đưa chúng tôi đi mà chỉ …. bấm đồng hồ bình thường! dù sao giá của nó cũng bằng 1/3 cái giá kia ^^

Công viên Mini Mini là nơi mô phỏng lại các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như Kinh thành Bắc kinh, Nhà trắng, tượng nữ thần tự do, tháp nghiêng pisa, tháp eiffel… và nó cũng chỉ đặc biệt như vậy mà thôi!

Sau một ngày mệt mỏi chúng tôi cũng không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức các món ăn ở Jeju, lần này là thịt heo gân nướng mọi Kunkoki khá hấp dẫn với giá gấp đôi các loại thịt khác ở Seoul! Tiếp theo đó là màn dạo bờ biển đêm và các khu mua sắm ở đảo, gặp gỡ vài người bạn và kết thúc ngày bận rộn bằng vài ly bia với trái cây.

Sáng hôm sau trước khi ra sân bay chúng tôi ghé một trang viên cổ trên đảo, nơi có kiến trúc giống hệt như hầu hết các khu làng cổ ở Hàn quốc. Ngồi trên máy bay ngắm Jeju tôi vẫn tự hỏi liệu có quá không khi ai đó bầu cho Jeju là kì quan thiên nhiên thế giới? Nhưng có lẽ môi người có một ý kiến riêng, tôi vẫn tự hào vể vẻ đẹp tự nhiên ở Việt Nam.

Để đến Jeju bạn có thể lựa chọn máy bay hoặc tàu thủy.

Đối với tàu thủy bạn có thể xuất phát từ các bến cảng: Busan; Incheon; Wando; hoặc Mokpo. Nếu đi từ Seoul thì bạn nên chọn Incheon (mất 1-2giờ đi bus hoặc subway tới bến cảng) và bạn chỉ cần ngủ 1 giấc là tới Jeju vào sáng sớm hôm sau.

Đa phần mọi người chọn máy bay để đi tới Jeju. Có rất nhiều hãng như Jeju Air, Korean Air, Asiana airlines hay Jinair. Lân này tôi chọn được giá vé rẻ của Jin Air với khoảng 80 usd cho vé khứ hồi.

Cách khác để bạn có thể tìm giá rẻ đến Jeju là mua gói vé máy bay + khách sạn của 1 số công ty du lịch hay mua online trên gmarket.co.kr

Về các khách sạn lớn bạn có thể tìm nhiều thông tin. Với những người đi bụi hay phượt thì những Motel giá rẻ là lựa chọn hợp lý. Tôi đã thuê được phòng 3 người với giá 30.000won/đêm (30usd) tại Motel 선인장 (samdo, 1 – dong, Jeju-si) 064. 7538823. Chất lượng dịch vụ thì chắc chắc hợp với giá 😀 nhưng đảm bảo yên tâm bạn có tivi, máy lạnh, phòng tắm nước nóng ^^

Ngoài ra xung quanh khu vực này tôi thấy có nhiều motel tương tự, các bạn có thể tìm tới đó để thuê phòng. Nêu ai muốn ở bên Seogwipo có thể tìm Jeju Hiking Inn với giá tương tự 064. 763 2380

Đảo Nami, Gapyeong, Gyeonggi-do, South Korea


^^

Đảo Nami đã nổi tiếng khắp nơi nhờ bộ phim “Chuyện tình mùa đông”. Nếu bạn đến Hàn quốc người ta sẽ hỏi bạn có coi drama Hàn quốc không? Có coi Chuyện tình mùa đông không? Và bạn nên đến đảo Nami vì nơi này phong cảnh thật lãng mạn và say đắm lòng nguời hệt như phim Hàn quốc!

Nghe nói đảo Nami đẹp nhất vào mùa thu với những hàng cây rực lửa màu đỏ, hay vàng óng như ánh nắng của lá rẻ quạt. Kế đến là mùa đông, mảng tuyết trắng bao phủ hầu hết hòn đảo chỉ chừa ra những con đừong mòn làm xao xuyến người đi. Mùa xuân và hạ đầy sắc màu với đủ các loại hoa, những hàng cây xanh rợp bóng mát.

Vậy có thực sự là vậy không? Để kiểm chứng mình đã quyết định tới vào mùa đẹp nhất trong năm. Mùa thu.

Tới đây có khá nhiều cách để lựa chọn. Ngoài việc sử dụng xe cá nhân thì các phương tiện công cộng rất phổ phiến và tiện dụng.

Cách 1: đi shuttle bus từ Insa-dong, Seoul tới Nami và ngược lại. Giá vé 6.500w/chiều hoặc 13.000w/2 chiều. Nếu mua luôn vé phà và phí vào cổng thêm 10.000w/người. Cách này dễ dàng với mọi người không quen thuộc Seoul. Thời gian linh động từ 7:40 tới 20:30 mỗi ngày, cứ 30p có 1 chuyến.

Cách 2: Bus. Bạn phải di chuyển tới các bến xe như Đông Seoul (동서울), Sangbong, hay Chuncheon để đón xe tới bến xe Gapyeong. Từ bến xe đi bộ (20p) hoặc taxi (5p) tới bến phà.

Cách 3: Subway. Cách này rẻ và tiện cho những người quen thuộc Seoul. Mọi người tìm đường tới line Gyeongchun (điểm bắt đầu là ga Sangbong cắt line 7) sau đó đến ga Gapyeong (từ Sangbong tới Gapyeong mất 45p). Từ ga Gapyeong bạn có thể đi bộ (20p) hoặc taxi (5p) hay bus (5p) tới bến phà.

Giá vé vào cửa 10.000w. Trẻ em, mọi người đi sau 6pm (Tháng 12-tháng 3) hoặc 7pm (tháng 4-tháng 11): 4.000w

Các chuyến phà sẽ bắt đầu từ 7:30 – 21: 45.

Lời khuyên cho các bạn khi đi vào những ngày mật độ đông như cuối tuần thì nên đi bộ từ ga Gapyeong vào, bạn vừa ngắm cảnh vừa không bị kẹt xe.

Xung quanh bến phà có rất nhiều dịch vụ vui chơi giải trí: Bungee jumping (nhảy cầu mạo hiểm), trượt cáp treo, đua cano, lướt sóng với cano… Hầu hết những trò này thích hợp cho mùa hè và cho các bạn trẻ thích vận động.

Món ăn nổi tiếng cũng là phổ biến nhất xung quanh khu vực này là món gà lột xương xào với bắp cải, khoai tây, cà rốt với nước tương ớt đặc trưng của Hàn. Và kèm theo đó là hàng loạt các món về gà.

Bạn nên ăn uống hoặc vui chơi gì trước khi qua phà nếu muốn vì sang bên kia sẽ chẳng có gì đâu nhé.

Cảm giác đầu tiên khi đi Nami vào ngày mùa thu lá vàng này là đông quá, người ơi là người, xe ơi là xe. Các chuyến phà nối nhau liên tiếp và còn tăng cường thêm phà mà vẫn phải chen chúc chờ đợi khá lâu bạn mới được lên phà.

Nami là hòn đảo nhỏ nằm giữa sông Hàn. Quanh khu vực này mé sông Hàn hầu như toàn núi thấp, cây cối cũng ngả màu, không rực rỡ nhưng cũng đủ cảm nhận hương vị mùa thu. Mất khoảng 5p để đi phà sang đảo.

Mặc dù dùng trí tưởng tượng phong phú của mình để gạt bớt hết người quanh đảo nhưng cũng không thể nào vận nội công nữa để mà ngồi cảm nhận vẻ đẹp nơi đây. Chỗ nào lá vàng rụng nhiều mà có khoảng đất trống thì có nhóm người trải bạt vui chơi. Chỗ nào đường đẹp hai hàng cây rẻ quạt vàng óng thì cả trăm người chen chúc chụp hình. Còn những chỗ bạn có thể tận hưởng mùa thu nhẹ nhàng lãng mạn ở đây chỉ còn lại vài cái ghế thưa thớt mép sông bên cạnh những cái cây trụi lá! Âu sao cũng là mùa thu @.@

Ở đây bạn có thể thuê xe đạp, xe đạp đôi, đi tàu điện hoặc xe đạp gia đình đi vòng quanh đảo. Nhưng đảo nhỏ xíu (460.000m2) thì bạn tốt nhất đi bộ, nếu có thì cho mấy đứa nhóc đạp xe ^^

Tóm lại rằng không nên kì vọng quá nhiều, hình ảnh, phim và quảng cáo chỉ mang tính chất minh họa. Trên đảo không có gì ngoài cây! Tất nhiên nếu bạn ở xứ nhiệt đới như Việt Nam thì mùa thu ở đây đúng thật là ấn tượng. Nhưng lời khuyên là có hàng tá nhưng nơi như thế xung quanh Hàn quốc mà không phải chen nhau như Nami, ở đây không có gì đặc biệt hơn những chỗ khác.

Dù sao, cứ thử 1 lần rồi xem, bạn sẽ biết ngay mà :))

 

 

 

 

 

 

 

Em và Thu Sài Gòn


Mùa thu. Có ai nghĩ Sài Gòn không có mùa thu? Tôi thì tôi chắc mùa thu Sài Gòn cũng đẹp và lãng mạn như nhiều nơi khác. Không se lạnh và thoảng mùi hoa sữa như Hà Nội, không rực rỡ lá đỏ lá vàng như xứ hàn đới. Thu Sài Gòn nhẹ nhàng và quyến rũ bởi nét riêng của nó. Có lẽ sẽ cần một chút lặng để cảm nhận thu ở Sài Gòn. Nếu một ngày nào đó bạn rời xa Sài Gòn bạn sẽ nhớ những lá me bay bay trên đường Nguyễn Du, nhớ những cơn mưa không ồn ào, không dai dẳng, nhớ những chiều nắng rực rỡ len lỏi qua khe lá ở công viên 30.4, bạn đang nhớ về mùa thu Sài Gòn đó.

Cũng vào một buổi cuối thu năm ấy tôi có nụ hôn đầu với em.

Mọi thứ rồi sẽ nhạt phai nhưng những rung động cùng em vào một tối thu Sài Gòn sẽ luôn mãi theo tôi. Đã nhiều năm trôi qua, hôm nay tôi mượn nỗi nhớ mùa thu Sài Gòn để nhớ em, hãy để tôi được nhớ, em nhé. Tôi chỉ nhớ và mỉm cười hạnh phúc, tôi muốn cảm ơn em đã cho tôi những khoảng thời gian tuyệt vời nhất mà tôi từng có. Em ở ngay đây, trong quá khứ của tôi, như một kỉ niệm ngọt ngào, mãi mãi.

Thu Sài Gòn đến và đi không ồn ào náo nhiệt, thoáng ẩn, thoáng hiện có thể không làm nhiều người xao xuyến nhưng đủ thấm cho những kẻ si tình.

Totto-chan Cô bé bên cửa sổ


Tác giả Kuroyanagi Tetsuko (Nguồn: yahoo.jp)

Bé gái đội chiếc mũ nâu (họa sĩ: Iwasaki Chihiro) (Nguồn: dantri.com.vn)

Totto-chan Cô bé bên cửa sổ (Nguyên tác tiếng Nhật: 窓ぎわのトットちゃん)

Tác giả: Kuroyanagi Tetsuko (Nhật Bản)

Dịch giả: Anh Thư (Tham khảo cả bản tiếng Anh của Dorothy Britton)

Với giọng văn đơn giản như suy nghĩ của một đứa trẻ nhưng tác phẩm đã khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều.  Câu chuyện có thể khiến chúng ta tưởng rằng nó chỉ có trong “truyện” nhưng tất cả đều là hồi ức của tác giả. Ngôi trường Tomoe thực ra là một ngôi trường có thật do nhà cải cách giáo dục Sosaku Kobayashi thành lập năm 1937. Năm 1944, khi Chiến tranh Thế giới thứ hai sắp kết thúc, ngôi trường đã bị máy bay ném bom tàn phá nặng nề đến nỗi không thể phục hồi. Dù ngoài đời chỉ tồn tại trong 7 năm ngắn ngủi, ngôi trường đã trở nên vĩnh cửu khi được chính Totto-chan, hay nhà văn Kuroyanagi Tetsuko ngoài đời, chuyển thành hình tượng văn học trong cuốn tự truyện Totto-chan bên cửa sổ, ra mắt 30 năm về trước.

Bạn đọc những trang đầu tiên, và tin tôi đi, bạn sẽ ngấu nghiến nó đến trang cuối cùng một cách nhanh nhất có thể!

Tham khảo một số bài viết về tác giả và tác phẩm:

http://dantri.com.vn/c23/s23-504915/tro-lai-the-gioi-dep-nhu-mo-cua-co-be-ben-cua-so.htm

http://tiki.vn/totto-chan-ben-cua-so-ban-moi-chinh-thuc-2011.html

Link download file .prc (Hãy tìm đọc tác phẩm được xuất bản nếu như bạn có thể ^^)

Thiếu nữ đánh cờ vây


Thiếu nữ đánh cờ vây (Nguyên bản tiếng Pháp: La joueuse de go)

Tác giả: Sơn Táp (Shan Sa) – (Gốc Trung Quốc, sống tại Pháp)

Dịch giả: Tố Châu – NXB Văn Học

Lấy bối cảnh những năm 30 thế kỉ trước khi Nhật Bản tiến hành chiến tranh xâm lược Trung Quốc, Thiếu nữ đánh cờ vây lột tả những khát vọng về tình yêu và hạnh phúc của con người, bất chấp họ thuộc về chiến tuyến nào. Lối kể chuyện mới lạ của tác giả làm cho người đọc bị lôi cuốn một lúc theo hai dòng suy nghĩ khác nhau để rồi cố gắng tìm cách nối chúng lại, chỉ đến khi kết thúc câu truyện ta mới nhận ra mối ràng buộc khăng khít của hai nhân vật đã chặt chẽ ngay từ đầu.

Ở đâu đó, trong một trường hợp nào đó, sự kết thúc chính là sự mở đầu. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà ta thường tìm thấy điều đó trong tình yêu.

“Một lối văn xuôi đơn sơ với những hình ảnh làm lay động tâm trí… Sự nối tiếp của những giọng kể thôi miên, như trong giấc mộng, đối lập với một cốt truyện bạo liệt.” – Janice P. Nimura (New York Times Book Review)

Link ebook .prc (Hãy tìm đọc tác phẩm được xuất bản nếu như bạn có thể ^^)

Chuyện con mèo dạy hải âu bay


Chuyện con mèo dạy hải âu bay (Nguyên tác: Historia de una gaviota y del gato que le enseño a volar)

Tác giả: Luis Sepúlveda (Chile)

Dịch giả: Phương Huyền – NXB Hội Nhà Văn

Câu chuyện giản dị, mộc mạc với lời văn dễ thương thích hợp với thiếu nhi cũng như nhiều lứa tuổi. Đọc cuốn này bạn sẽ thấy thật thư giãn và nhẹ nhàng, nhưng rồi cũng phải lặng một chút để suy nghĩ ^^

Tác phẩm đề cao tính trách nhiệm, đoàn kết và ý nghĩa của những nỗ lực – “Chỉ có những kẻ dám mới có thể bay”

“Một câu chuyện đầy cuốn hút về lòng tận tâm và tầm quan trọng của việc giữ lời hứa.” Publisher Weekly

Link download file .prc và .pdf (Hãy tìm đọc tác phẩm được xuất bản nếu như bạn có thể ^^)

Previous Older Entries